Thẻ tín dụng là gì? Cách sử dụng thẻ tín dụng một cách hợp lý

290

Thẻ tín dụng là một trong những loại thẻ ngân hàng được sử dụng nhiều tại Việt Nam. Nếu bạn đang muốn tìm hiểu những thông tin về loại thẻ này thì đây chính là bài viết dành cho bạn đấy.

Thẻ tín dụng là gì?

the tin dung la gi

1. Khái niệm thẻ tín dụng

Thẻ tín dụng (Credit Cards) là loại thẻ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch trong hạn mức tín dụng đã thỏa thuận với tổ chức tín dụng hoặc ngân hàng phát hành thẻ.

Hiểu một cách đơn giản, khi sử dụng thẻ tín dụng, tổ chức phát hành thẻ sẽ cấp cho khách hàng một số tiền trong thẻ, khách hàng có thể tiêu trước và khách hàng cần thanh toán lại trong một khoảng thời gian quy định.

Thẻ tín dụng có thể được sử dụng để thanh toán hàng hóa mua sắm trực tuyến, thanh toán dịch vụ tại các cửa hàng, đại lý, nhà hàng, khách sạn chấp nhận thanh toán thẻ tín dụng. Ngoài ra có thể sử dụng để rút tiền mặt từ cây ATM nếu bạn đang thật sự cần tiền mặt.

2. Một số khái niệm khác

Khi sử dụng thẻ tín dụng, khách hàng cần nắm rõ một số khái niệm liên quan dưới đây:

2.1 Hạn mức tín dụng

Đây là số tiền tối đa khách hàng có thể sử dụng trên thẻ tín dụng do đơn vị phát hành thẻ cung cấp.

Một số ngân hàng cho phép các giao dịch vượt hạn mức tín dụng trong một số trường hợp nhất định, tuy nhiên khách hàng cần phải nộp kèm phí vượt hạn mức.

Hạn mức tín dụng có sự khác biệt giữa các loại thẻ tín dụng và giữa các tổ chức phát hành thẻ.

2.2 Bảng sao kê thẻ tín dụng

Bảng sao kê thẻ tín dụng được coi như là thông tin về thẻ tín dụng của khách hàng bao gồm: Số tiền đã trả kỳ trước, khoản dư nợ tín dụng cần trả kì này, ngày phải thanh toán khoản dư nợ để tránh lãi phát sinh.

Ngân hàng sẽ gửi bảng sao kê thẻ tín dụng tới khách hàng hàng tháng trước hạn thanh toán tối thiểu 15 ngày.

2.3 Thanh toán tối thiểu thẻ tín dụng

Thanh toán tối thiểu thẻ tín dụng là số tiền tối thiểu khách hàng phải thanh toán trong tháng để không bị phạt tiền hay dính nợ xấu.

Số tiền thanh toán tối thiểu của thẻ tín dụng có thể bị thay đổi cách tính dựa theo từng trường hợp quy định. Thông thường khoản này sẽ là 5% số dư nợ trên thẻ tín dụng. Phần dư nợ chưa được thanh toán sẽ bị ngân hàng tính lãi theo quy định.

2.4 Lãi suất thẻ tín dụng

Lãi suất thẻ tín dụng là khoản tiền khách hàng phải trả cho việc sử dụng thẻ tín dụng. Khoản tiền này được tính theo tỷ lệ % khoản vay.

Nếu khách hàng không thanh toán đầy đủ số dư nợ thẻ tín dụng theo sao kê sẽ phải trả thêm lãi cho số dư nợ chưa thanh toán.

Một số loại thẻ tín dụng được áp dụng lãi suất 0% trong một khoảng thời quy quy định khi lần đầu sử dụng thẻ.

Các loại thẻ tín dụng

Tùy theo từng tiêu chí mà thẻ tín dụng được chia thành nhiều loại khác nhau.

Phân loại thẻ tín dụng theo phạm vi sử dụng

  • Thẻ tín dụng nội địa: Là loại thẻ tín dụng chỉ có thể sử dụng để thanh toán các giao dịch trong một quốc gia và sử dụng tiền là đồng nội tệ.
  • Thẻ tín dụng quốc tế: Là loại thẻ tín dụng cho phép chủ thẻ có thể sử dụng để thanh toán các giao dịch trên toàn thế giới và theo mọi loại tiền tệ.

Phân loại thẻ tín dụng theo hạng thẻ

  • Thẻ tín dụng chuẩn (Classic): Là loại thẻ tín dụng có hạn mức tín dụng từ 10 – 50 triệu tùy từng ngân hàng. Khách hàng cần có thu nhập ít nhất từ 4.5 triệu/tháng để đạt điều kiện mở thẻ tín dụng classic.
  • Thẻ tín dụng hạng Vàng (Gold): Là loại thẻ tín dụng có hạn mức tín dụng từ 50 – 200 triệu đồng tùy từng ngân hàng. Khách hàng cần có thu nhập ít nhất từ 8 – 10 triệu/tháng để đạt điều kiện mở thẻ tín dụng hạng vàng.
  • Thẻ tín dụng hạng Bạch kim (Platinum): Là loại thẻ tín dụng có hạn mức cao nhất, có thể lên tới hơn 500 triệu – hàng tỷ đồng tùy từng ngân hàng. Khách hàng cần có thu nhập ít nhất từ 20 triệu/tháng để đạt điều kiện mở thẻ tín dụng hạng bạch kim.

Phân loại thẻ tín dụng theo thương hiệu

  • Thẻ tín dụng Visa: Loại thẻ tín dụng do các ngân hàng tại Việt Nam liên kết với Công ty Visa International Service Association (Mỹ) phát hành. Loại thẻ này được in logo Visa lên trên thẻ và được sử dụng phổ biến tại các nước châu Á.
  • Thẻ tín dụng MasterCard: Là loại thẻ tín dụng do công ty MasterCard Worldwide phát hành. Đây cũng là loại thẻ thông dụng và được sử dụng phổ biến trên thế giới, phù hợp với những du học sinh, người thường xuyên đi đi công tác hay du lịch nước ngoài. Loại thẻ này được in logo MasterCard trên thẻ.

cac loai the tin dung

Một số loại thẻ tín dụng theo thương hiệu khác ít phổ biến hơn tại Việt Nam như thẻ JCB, American Expres, Discover… Trên các loại thẻ này đều có in logo để dễ dàng nhận diện hay phân biệt.

Phân loại thẻ tín dụng theo chủ thể sử dụng

  • Thẻ tín dụng doanh nghiệp: Loại thẻ tín dụng được các công ty, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng và thanh toán bằng nguồn tiền của tổ chức đó. Các tổ chức này sẽ ủy quyền cho một cán bộ trong doanh nghiệp sử dụng thẻ. Việc ủy quyền này cần phải có giấy ủy quyền hợp pháp theo quy định.
  • Thẻ tín dụng cá nhân: Loại thẻ tín dụng phổ biến dành cho các cá nhân có nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng và thanh toán bằng nguồn tiền của chính cá nhân đó. Thẻ tín dụng cá nhân bao gồm thẻ chính và thẻ phụ.

Cách sử dụng thẻ tín dụng

Để tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro khi sử dụng thẻ tín dụng, khách hàng nên cẩn trọng khi sử dụng nó.

Khi nào nên sử dụng thẻ tín dụng?

Miễn là bạn sử dụng thẻ tín dụng đúng mục đích, không lạm dụng và phụ thuộc vào, nó sẽ trở nên khá hữu ích trong cuộc sống.

Dưới đây là một số cách sử dụng thẻ tín dụng mà chúng tôi đưa ra để các khách hàng tham khảo:

Cải thiện điểm tín dụng

Việc sử dụng thẻ tín dụng sẽ giúp khách hàng cải thiện điểm tín dụng đối với các ngân hàng thông qua lịch sử thanh toán bằng thẻ tín dụng. Tuy nhiên bạn hãy nhớ thanh toán đầy đủ và đúng hạn khi sử dụng thẻ tín dụng nhé.

Tích lũy điểm thưởng

Khách hàng sử dụng thẻ tín dụng thường được tham gia các chương trình ưu đãi hoặc tích lũy điểm thưởng.

Thanh toán mua sắm

Khách hàng có thể yêu cầu ngân hàng dừng việc thanh toán đối với các đơn vị bán hàng nếu hàng hóa vô tình có các vấn đề phát sinh.

Thanh toán du lịch, phí công tác, học phí

Những dịch vụ trên thường được giảm giá rất nhiều kèm ưu đãi.

Không nên sử dụng thẻ tín dụng để làm gì?

Chức năng nổi bật của thẻ tín dụng chính là để thanh toán trực tuyến, chính vì vậy khách hàng khi sử dụng thẻ tín dụng cần lưu ý tránh một số điều sau:

Thanh toán các giao dịch lớn, rất lớn

Một số giao dịch mua bán như mua ô tô, sửa chữa, mua nhà, kinh doanh buôn bán cần một khoản tiền lớn và có thời hạn thanh toán tương đối lâu. Trong khi đó hạn thanh toán thẻ tín dụng lại khá ngắn, càng nợ lâu phí càng tăng cao.

Chính vì vậy nếu bạn sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán các giao dịch này, khách hàng sẽ phải trả lãi rất nhiều.

Thay vào đó, khách hàng nên cân nhắc tới các hình thức vay vốn.

Rút tiền mặt

Khách hàng hoàn toàn có thể sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt, tuy nhiên hãy cân nhắc cho kỹ bởi phí phải chịu khá cao và bạn sẽ bị tính lãi ngay khi rút tiền.

Lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng

Lựa chọn loại thẻ tín dụng phù hợp

Trước khi đăng ký mở thẻ tín dụng, các bạn cần lựa chọn loại thẻ tín dụng phù hợp với mục đích cần sử dụng.

Hiện nay bạn có thể mở thẻ tín dụng ở hầu hết các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác nhau. Tùy theo điều kiện và hạn mức, lãi suất thẻ tín dụng ở mỗi nơi, bạn hãy cân nhắc mở loại thẻ phù hợp nhất.

Thanh toán thẻ tín dụng đúng hạn

Việc thanh toán dư nợ trước 45 ngày sẽ giúp bạn tránh không bị tính lãi suất cũng như các khoản phí phạt khác.

Bảo mật thẻ tín dụng

Hãy chú ý bảo mật các thông tin về thẻ tín dụng của bạn đề phòng trường hợp mất cắp thông tin và số tiền trong thẻ.

Các chi phí phát sinh

Một số chi phí có thể phát sinh trong quá trình khách hàng sử dụng thẻ tín dụng bao gồm:

  • Phí thường niên
  • Phí phạt trả chậm
  • Phí hủy thẻ tín dụng
  • Phí in sao kê
  • Phí vượt hạn mức

Cách thanh toán thẻ tín dụng

Khách hàng có thể sử dụng một trong những cách sau để thanh toán thẻ tín dụng:

  • Sử dụng chức năng ghi nợ tự động từ tài khoản thanh toán
  • Chuyển tiền tử tài khoản ngân hàng khác sang tài khoản thẻ tín dụng
  • Trực tiếp nộp tiền tại các quầy giao dịch của tổ chức phát hành thẻ.

Thẻ tín dụng ngân hàng nào tốt?

Mỗi khách hàng sẽ có những đánh giá khác nhau về thẻ tín dụng của mỗi ngân hàng. Để có cái nhìn tương đối khách quan, chúng ta cùng so sánh phí thường niên ở các ngân hàng tại Việt Nam hiện nay:

Thẻ tín dụng Vietcombank American Express

So sánh một số thẻ tín dụng của các ngân hàng tại Việt Nam:

Loại thẻ Hạn mức Phí thường niên Phí rút tiền mặt Thu nhập
Thẻ tín dụng Vietcombank Visa chuẩn 5 – 50 triệu 100.000đ 4% số tiền 4.5 triệu
Thẻ tín dụng quốc tế Vietinbank Cremium Visa chuẩn 10 – 49 triệu 120.000đ 4% số tiền 2 triệu
Thẻ tín dụng quốc tế Shinhan Bank Visa cá nhân hạng chuẩn 10 – 100 triệu 110.000đ 2% số tiền 7 triệu
Thẻ tín dụng quốc tế MB JCB Sakura chuẩn 10 – 68 triệu 200.000đ 3% số tiền 5 triệu
Thẻ VPBank MasterCard MC2 Credit 10 – 70 triệu 299.000đ 4% số tiền 4.5 triệu
Thẻ tín dụng quốc tế HDBank Visa chuẩn 10 – 50 triệu 220.000đ 2% số tiền 4 triệu
Thẻ tín dụng quốc tế LienVietPostBank MasterCard chuẩn 10 – 50 triệu 150.000đ 4% số tiền 3 triệu
Thẻ tín dụng quốc tế TPBank Visa chuẩn 10 – 40 triệu 288.000đ 4.4% số tiền 5 triệu
Thẻ BIDV Visa Flexi 1 – 45 triệu 200.000đ 3% số tiền 4 triệu
Thẻ tín dụng quốc tế Agribank Visa chuẩn 10 – 50 triệu 150.000đ 4% số tiền 5 triệu
Thẻ tín dụng HSBC Visa chuẩn 10 – 100 triệu 350.000đ 4% số tiền 6 triệu
Thẻ tín dụng SC Platinum CashBack 10 – 100 triệu 1.000.000đ 4% số tiền 10 triệu
Thẻ tín dụng quốc tế PVcombank MasterCard Smart 10 – 50 triệu 300.000đ 4% số tiền 5 triệu
Thẻ Woori Bank Visa Classic 10 – 100 triệu 300.000đ 2% số tiền 7 triệu
Thẻ tín dụng MSB Visa Online 10 – 50 triệu 299.000đ 4% số tiền 5 triệu
Thẻ tín dụng quốc tế Sacombank Visa chuẩn 10 – 50 triệu 299.000đ 4% số tiền 5 triệu
Thẻ tín dụng quốc tế ACB Visa chuẩn 20 – 100 triệu 400.000đ 4% 5 triệu

Ngoài các thông tin về hạn mức, phí thường niên, phí rút tiền mặt và điều kiện về thu nhập thì mỗi ngân hàng phát hành thẻ đều có những chính sách và ưu đãi riêng dành cho khách hàng sử dụng thẻ tín dụng.

Để biết thông tin chính xác nhất hãy liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng của ngân hàng bạn quan tâm để được tư vấn nhé.

Hướng dẫn đăng ký thẻ tín dụng

Điều kiện đăng ký thẻ tín dụng

Điều kiện mở thẻ tín dụng ở các ngân hàng không giống nhau 100% tuy nhiên sẽ có những điều kiện cơ bản về thông tin cá nhân và chứng minh thu nhập. Cụ thể như sau:

  • Đủ 18 tuổi trở lên
  • Các thông tin về nhân thân rõ ràng và có thể xác minh gồm Họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, …
  • Chứng minh thu nhập ổn định (điều kiện này phụ thuộc vào từng ngân hàng, tổ chức tín dụng)
  • Các điều kiện khác như tài sản đảm bảo, chứng chỉ tiền gửi, bảo hiểm nhân thọ..i
  • Điểm tín dụng cá nhân

Hồ sơ đăng ký thẻ tín dụng

Yêu cầu về hồ sơ đăng ký mở thẻ tín dụng ở mỗi tổ chức đều có sự khác nhau và tùy thuộc vào đối tượng mở thẻ.

Xem chi tiết trong các bài viết về thẻ tín dụng của từng ngân hàng để nắm rõ chi tiết.

Thẻ tín dụng có chuyển khoản được không?

Theo chính sách sử dụng thẻ tín dụng của hầu hết các ngân hàng và tổ chức tín dụng, thẻ tín dụng không có tính năng chuyển khoản.

Do vậy, thẻ tín dụng không thể chuyển khoản.

  • Thẻ tín dụng thực chất là một trong các công cụ cho vay của ngân hàng: Mỗi chiếc thẻ tín dụng được cấp một hạn mức nhất định. Khách hàng sử dụng hạn mức này để “chi tiêu trước trả tiền sau” cho các giao dịch. Nói cách khác là ngân hàng đang cho khách hàng “ứng tiền trước”, sau đó, đến hạn sao kê khách hàng phải trả lại tiền cho ngân hàng. Thẻ không có sẵn tiền mặt như thẻ ATM. Do vậy, khách hàng không thể sử dụng thẻ tín dụng để chuyển khoản.
  • Kiểm soát dư nợ: Không có tính năng chuyển khoản là cách giúp ngân hàng kiểm soát dư nợ của khách hàng một cách tốt nhất. Đồng thời tránh tình trạng khách hàng gây ra nợ xấu, không thể hoàn trả cho ngân hàng và ảnh hưởng đến khả năng đi vay trong tương lai.
  • Bảo toàn chức năng thanh toán không sử dụng tiền mặt của thẻ tín dụng: Thẻ tín dụng ra đời với mục tiêu giúp khách hàng thanh toán mọi giao dịch đơn giản hơn, an toàn hơn mà không cần sử dụng tiền mặt. Do vậy, tính năng chuyển khoản đang đi ngược lại với chức năng ban đầu của thẻ.